Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp
Lĩnh vực: Bảo hiểm Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Y tếTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về hồ sơ, nội dung khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp, điều tra bệnh nghề nghiệp và chế độ báo cáo.

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ Y TẾ
Số:         /2024/TT-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày        tháng       năm 2024

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp

 

Căn cứ Bộ luật lao động số 45/2019/QH14  ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.

  

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về hồ sơ, nội dung khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp, điều tra bệnh nghề nghiệp và chế độ báo cáo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả người học nghề, tập nghề, người lao động đã nghỉ hưu, chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp, đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đang chờ quyết định nghỉ hưu (sau đây gọi tắt là người lao động).

2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này (sau đây gọi tắt là người sử dụng lao động).

3. Các cơ sở y tế được cấp Giấy phép hoạt động hoặc cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, điều trị bệnh ngh nghiệp thực hiện việc khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là cơ sở khám bệnh nghề nghiệp).

Chương II

KHÁM SỨC KHỎE TRƯỚC KHI BỐ TRÍ LÀM VIỆC

Điều 3. Đối tượng khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc

Đối tượng khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc là người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 4. Hồ sơ khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc

1. Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp cơ sở lao động có nhiều người phải khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc thì người sử dụng lao động lập danh sách và điền các thông tin về nghề, công việc chuẩn bị bố trí, yếu tố có hại tại nơi làm việc gửi kèm theo Giấy giới thiệu.

2. Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Nội dung khám

1. Khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc thực hiện theo hướng dẫn tại Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp người lao động đã được khám sức khỏe theo hướng dẫn tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Thông tư 32/2023/TT-BYT) thì sử dụng kết quả khám sức khỏe còn giá trị và thực hiện khám chuyên khoa theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Tùy theo vị trí làm việc của người lao động bác sỹ khám bệnh nghề nghiệp chỉ định khám chuyên khoa phù hợp với vị trí làm việc.

3. Thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng) khi có chỉ định của bác sỹ để phù hợp với vị trí làm việc.

Chương III

KHÁM PHÁT HIỆN BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 6. Đối tượng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

1. Đối tượng phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

2. Người lao động không thuộc khoản 1 Điều này chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

Điều 7. Thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động

1. Thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động.

2. Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người lao động thì thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo đề nghị của tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu.

Điều 8. Hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động gồm các giấy tờ sau:

a) Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này; 

c) Bản sao hợp lệ kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động, kết quả đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp;

Đối với bệnh nghề nghiệp cấp tính, trong trường hợp chưa kịp xác định được mức tiếp xúc yếu tố có hại tại thời điểm xảy ra bệnh nghề nghiệp cấp tính, phải bản sao hợp lệ Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án bệnh có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có).

2. Trường hợp người lao động chủ động đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này.

Người sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này cho người lao động.

Điều 9. Quy trình và nội dung khám

1. Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

a) Trước khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hoặc người lao động phải gửi cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

b) Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thông báo thời gian, địa điểm và các nội dung cần thiết khác liên quan đến việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động hoặc người lao động;

c) Thực hiện việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp lần đầu theo quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Kết thúc đợt khám, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn thiện sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp; Tổng hợp kết quả đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải lập Hồ sơ bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này và lập báo cáo trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Sau khi tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 20 ngày, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải trả kết quả cho người sử dụng lao động hoặc người lao động các giấy tờ quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều này.

2. Nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

a) Khai thác đầy đủ các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình, thời gian tiếp xúc yếu tố có hại có thể gây bệnh nghề nghiệp để ghi phần tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp trong sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp;

b) Khám đầy đủ nội dung theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này và các chuyên khoa để phát hiện bệnh nghề nghiệp trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm được quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội, Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 09 tháng 02 năm 2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội;

c) Đối với lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản;

d) Thực hiện các xét nghiệm khác liên quan đến yếu tố có hại trong môi trường lao động (nếu cần);

đ) Trường hợp người lao động đã được khám sức khỏe định kỳ theo Thông tư 32/2023/TT-BYT thì sử dụng kết quả khám sức khỏe còn giá trị và thực hiện khám bổ sung các nội dung theo quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này;

e) Đối với những bệnh nghề nghiệp không nằm trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội phải khám đầy đủ các chuyên khoa theo chỉ định của bác sỹ khám bệnh nghề nghiệp.

Điều 10. Quy định về hội chẩn để chẩn đoán bệnh nghề nghiệp

1. Hội chẩn được tiến hành đối với các trường hợp chẩn đoán các bệnh bụi phổi, phế quản, bệnh rung chuyển nghề nghiệp và các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của bác sỹ khám bệnh nghề nghiệp.

2. Thành phần Hội đồng hội chẩn:

Người đứng đầu cơ sở khám bệnh nghề nghiệp quyết định thành lập Hội đồng hội chẩn bệnh nghề nghiệp, gồm các thành phần sau:

a) 01 đại diện Lãnh đạo cơ sở khám bệnh nghề nghiệp làm Chủ tịch Hội đồng;

b) 01 bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp;

c) 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp cần hội chẩn;

d) 01 Thư ký Hội đồng: Do Chủ tịch Hội đồng chỉ định.

e) Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc trưng cầu chuyên gia về lĩnh vực cần hội chẩn.

3. Kết luận hội chẩn được hoàn chỉnh và ghi vào Biên bản hội chẩn bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn chỉnh Biên bản hội chẩn và Hồ sơ bệnh nghề nghiệp chuyển lên tuyến trên để có chẩn đoán xác định.

Chương IV

KHÁM ĐỊNH KỲ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG MẮC BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 11. Đối tượng và thời gian khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động đã được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp.

2. Thời gian khám định kỳ bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Hồ sơ khám

1. Người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp bao gồm:

a) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ bệnh nghề nghiệp.

2. Trường hợp người lao động đã thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ thì người lao động tự chuẩn bị hồ sơ bệnh nghề nghiệp.

Điều 13. Quy trình và nội dung khám

1. Quy trình khám định kỳ cho người mắc bệnh nghề nghiệp

a) Trước khi khám định kỳ cho người mắc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hoặc người lao động phải gửi cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp các giấy tờ theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

b) Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thông báo thời gian, địa điểm và các nội dung khác liên quan đến khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp tới người sử dụng lao động hoặc người lao động;

c) Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp tổ chức khám cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp;

d) Kết thúc đợt khám, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn thiện kết quả khám định kỳ người mắc bệnh nghề nghiệp trong hồ sơ bệnh nghề nghiệp và tổng hợp kết quả khám định kỳ bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này và trả kết quả cho người sử dụng lao động trong thời gian 20 ngày.

2. Nội dung khám định kỳ bệnh nghề nghiệp

a) Thực hiện theo quy định tại điểm a, b, d khoản 2 Điều 9 và hướng dẫn tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Việc bổ sung nội dung khám lâm sàng và cận lâm sàng cho từng bệnh nghề nghiệp dựa vào tiến triển, biến chứng của bệnh theo chỉ định của bác sỹ.

Chương V

ĐIỀU TRA BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 14. Điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Căn cứ điều tra:

Việc điều tra bệnh nghề nghiệp được thực hiện thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tiến hành điều tra bệnh nghề nghiệp trong trường hợp:

- Bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm tại một cơ sở lao động.

- Kết quả quan trắc môi trường lao động vượt giới hạn cho phép nhưng không có trường hợp người lao động được phát hiện bệnh nghề nghiệp hoặc cơ sở lao động không thực hiện quan trắc môi trường lao động, không khám sức khỏe cho người lao động.

b) Cơ quan Bảo hiểm xã hội có yêu cầu điều tra hoặc điều tra lại bệnh nghề nghiệp;

c) Người sử dụng lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp;

d) Người lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bản thân mà chưa được giải quyết chế  độ theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

2. Thành phần Đoàn điều tra

a) Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp cấp tỉnh, Bộ, ngành (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) do Giám đốc Sở Y tế, Lãnh đạo y tế Bộ, ngành quyết định thành lập theo đề nghị của thanh tra Sở Y tế, y tế Bộ ngành, bao gồm:

- 01 đại diện Lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế, Lãnh đạo y tế Bộ, ngành làm trưởng đoàn;

- 01 bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa có chứng chỉ đào tạo về bệnh nghề nghiệp hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề y học dự phòng và có chứng chỉ đào tạo về bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc y tế Bộ, ngành làm ủy viên thư ký;

- 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

- 01 đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- 01 đại diện Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- 01 đại diện Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành;

- Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn điều tra quyết định việc mời các thành viên khác có liên quan tham gia Đoàn điều tra.

b) Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp cấp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ hoặc Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, bao gồm:

- 01 đại diện Lãnh đạo Thanh tra Bộ Y tế hoặc Lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường y tế làm trưởng đoàn;

- 01 bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp của Viện thuộc hệ y tế dự phòng làm ủy viên thư ký;

- 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

- 01  đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- 01 đại diện Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn điều tra quyết định việc mời các thành viên khác có liên quan tham gia Đoàn điều tra.

3. Thẩm quyền điều tra

a) Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp cấp tỉnh điều tra bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp cấp Trung ương điều tra bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp có khiếu nại của tổ chức, cá nhân về kết quả điều tra bệnh nghề nghiệp mà đoàn điều tra cấp tỉnh đã thực hiện hoặc các trường hợp vượt quá khả năng điều tra của Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp cấp tỉnh.

Điều 15. Trách nhiệm của thành viên Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp:  

a) Các hoạt động của đoàn điều tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn điều tra;

b) Tổ chức thảo luận trong đoàn để đi đến thống nhất khi các thành viên trong đoàn điều tra còn có những vấn đề chưa thống nhất. Nếu không đạt được sự thống nhất thì Trưởng đoàn quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

c) Công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.

2. Các thành viên đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp:

a) Thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt động chung của Đoàn điều tra;

b) Có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo Lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý mình.

3. Không được tiết lộ các thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa công bố Biên bản điều tra.

Điều 16. Thời hạn điều tra và lập biên bản

1. Thời hạn điều tra: Không quá 15 ngày làm việc. 

2. Trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp phức tạp cần gia hạn điều tra, thì trước khi hết hạn điều tra 02 ngày làm việc, Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp phải báo cáo và xin phép người ra quyết định thành lập đoàn điều tra. Thời hạn gia hạn điều tra không vượt quá 05 ngày làm việc.

Điều 17. Trình tự điều tra, lập biên bản và công bố Biên bản điều tra

1. Đoàn điều tra tiến hành điều tra, lập biên bản theo trình tự sau:

a) Xem xét hiện trường cơ sở lao động;

b) Thu thập vật chứng, tài liệu có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (thực hiện lấy mẫu về các yếu tố có hại tại nơi làm việc để phân tích, nhận định làm căn cứ xác định yếu tố gây bệnh);

c) Xem xét hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động;

d) Phỏng vấn trực tiếp người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác có liên quan đến công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động;

đ) Tổ chức khám và làm xét nghiệm cần thiết đối với các trường hợp người lao động nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp (nếu cần);

e) Các nội dung khác do Trưởng đoàn điều tra chỉ định trong trường hợp cần thiết.

2. Công bố Biên bản điều tra

Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp cấp tỉnh, cấp Trung ương tổ chức cuộc họp ngay sau khi hoàn thành điều tra để công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tại cơ sở bị điều tra, thành phần cuộc họp bao gồm:

a) Trưởng đoàn điều tra, chủ trì cuộc họp;

b) Các thành viên đoàn điều tra;

c) Người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền bằng văn bản;

d) Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc là Người được tập thể người lao động chọn cử khi cơ sở chưa có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn;

d) Người yêu cầu, người làm chứng và người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan đến bệnh nghề nghiệp;

e) Đại diện cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở (nếu có);

g) Nếu người yêu cầu điều tra có ý kiến chưa nhất trí với nội dung biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp thì người yêu cầu được ghi ý kiến của mình vào biên bản điều tra, nhưng vẫn phải ký tên và đóng dấu (nếu có) vào biên bản điều tra và thực hiện các kiến nghị của Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp;

h) Lập biên bản cuộc họp, Biên bản cuộc họp phải có chữ ký của những thành viên đã tham dự;

i) Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp phải gửi biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tới các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở sử dụng lao động và các nạn nhân trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố biên bản điều tra. Biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp là một trong những giấy tờ để làm căn cứ trong việc khám giám định bệnh nghề nghiệp.

Điều 18. Hồ sơ điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Biên bản hiện trường cơ sở lao động.

2. Vật chứng, tài liệu có liên quan.

3. Hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động.

4. Biên bản Phỏng vấn trực tiếp người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác có liên quan đến công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động.

5. Kết quả khám và làm xét nghiệm đối với các trường hợp người lao động nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp (nếu có).

6. Biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.

7. Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.

8. Những tài liệu khác có liên quan đến quá trình điều tra bệnh nghề nghiệp.

9. Thời gian lưu giữ hồ sơ điều tra bệnh nghề nghiệp là 20 năm tại cơ sở sử dụng lao động và các cơ quan của thành viên đoàn điều tra (Thông tư 10/2022/TT-BNV ngày 19 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nội vụ quy định thời hạn bảo quản tài liệu).

Điều 19. Trách nhiệm của cơ sở xảy ra bệnh nghề nghiệp

1. Khai báo bệnh nghề nghiệp theo quy định của Thông tư này.

2. Thông báo đầy đủ về tình hình bệnh nghề nghiệp tới người lao động thuộc cơ sở của mình nhằm ngăn chặn những bệnh nghề nghiệp tái diễn xảy ra.

3. Lưu giữ hồ sơ theo đúng quy định.

4. Tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.

5. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do bệnh nghề nghiệp gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo việc thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy bệnh nghề nghiệp.

Điều 20. Bảo đảm kinh phí hoạt động Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thành lập thì Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có kiến nghị điều tra thành lập thì kinh phí hoạt động của Đoàn điều tra do tổ chức, cá nhân có kiến nghị điều tra chi trả.

Chương VI

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 21. Chế độ báo cáo

1. Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải tổng hợp và báo cáo tình hình khám bệnh nghề nghiệp gửi về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đơn vị đặt trụ sở trước ngày 05 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo cả năm theo hướng dẫn tại Phụ lục 9 và Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Sở Y tế cấp tỉnh gửi báo cáo tổng hợp tình hình bệnh nghề nghiệp trong tỉnh và trong ngành về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế), báo cáo gửi trước ngày 15 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 01 năm sau đối với báo cáo cả năm theo quy định tại Phụ lục 9 và Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của người lao động

1. Khai báo thông tin trung thực về tiền sử bệnh tật, tiếp xúc nghề nghiệp trong quá trình khám sức khỏe.

2. Tham gia khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, các đợt khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kỳ bệnh nghề nghiệp (nếu mắc) do người sử dụng lao động tổ chức.

3. Thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, các chỉ định khám và điều trị của bác sĩ sau mỗi lần khám.

4. Lưu giữ hồ sơ quản lý sức khỏe trong các trường hợp thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ (Hồ sơ bệnh nghề nghiệp, báo cáo từng trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, các giấy tờ liên quan đến khám, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) để làm cơ sở cho việc khám, chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp nếu mắc sau thời gian ngừng tiếp xúc với yếu tố có hại; chuyển hồ sơ quản lý sức khỏe cho cơ quan mới trong trường hợp chuyển cơ quan công tác.

Điều 23. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Lập, quản lý hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp và lưu giữ trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị; trả hồ sơ quản lý sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động khi người lao động chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ.

2. Phối hợp với các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

3. Tạo điều kiện cho người lao động đi điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.

4. Hoàn chỉnh hồ sơ và giới thiệu người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đi khám giám định trong thời gian 20 ngày sau khi điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng đối với những bệnh nghề nghiệp có khả năng điều trị hoặc sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối những bệnh không có khả năng điều trị.

5. Thực hiện cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định.

6. Bố trí sắp xếp vị trí làm việc phù hợp với sức khỏe người lao động.

7. Cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp với Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp.

8. Báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 24. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh nghề nghiệp

1. Có trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động khi có yêu cầu về: lập kế hoạch và tiến hành khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp theo quy định.

2. Tổ chức hội chẩn bệnh nghề nghiệp (nếu cần) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chẩn đoán bệnh nghề nghiệp.

3. Tham gia hội đồng giám định y khoa các cấp để giám định bệnh nghề nghiệp (khi có yêu cầu).

4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư này.

Điều 25. Trách nhiệm của Sở Y tế cấp tỉnh

1. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thực hiện công tác khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và tự tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi được giao quản lý.

2. Công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế các cơ sở y tế được cấp Giấy phép hoạt động hoặc được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh nghề nghiệp và gửi danh sách các cơ sở y tế này về Bộ Y tế (Cục Quản lý Môi trường y tế) để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

3. Thanh tra, kiểm tra định kỳ, hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp.

4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư này.

Điều 26. Trách nhiệm của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp bao gồm các nội dung sau:

a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác khám bệnh nghề nghiệp;

b) Các yếu tố có hại trong môi trường lao động;

c) Số cơ sở lao động có người lao động mắc bệnh nghề nghiệp;

d) Số người lao động mắc bệnh nghề nghiệp;

đ) Tình hình bệnh nghề nghiệp;

e) Tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

3. Công bố các cơ sở y tế được cấp Giấy phép hoạt động hoặc được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh nghề nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Thanh tra, kiểm tra và đình chỉ hoạt động của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

4. Chỉ đạo các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng và các trường Đại học Y, Dược xây dựng nội dung, tổ chức đào tạo về bệnh nghề nghiệp.

5. Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này.

Chương VII

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 27. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản thay thế hoặc sửa đổi bổ sung.

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày    tháng    năm 2024.

2. Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, đơn vị và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Môi trường y tế) để nghiên cứu, xem xét giải quyết./.

Nơi nhận:    
- VPCP (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT CP);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ trưởng (để báo cáo);      
- Các đơn vị thuộc Bộ Y tế;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Y tế các ngành;
- Trung tâm CDC các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, MT(03).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Đào Hồng Lan

 

Ghi chú

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi